Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật

Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là hành vi của người có thẩm quyền đại diện cho người sử dụng lao động đã vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà buộc công chức, viên cức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật khiến họ hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công.

I. Cơ sở pháp lý

Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

“Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

c) Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

II. Cấu thành tội phạm

1. Khách thể của tội phạm

Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật xâm phạm đến quyền và nghĩa vụ lao động của công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

2. Mặt khách quan

Tội phạm được thực hiện thông qua một trong những hành vi sau:

– Ra quyết định hoặc buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

– Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

– Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc để định tội, theo đó hành vi buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật phải dẫn đến hậu quả khiến người đó hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến xảy ra đình công thì mới cấu thành tội phạm.

3. Mặt chủ quan

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý với động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Mục đích buộc cán bộ, công chức hoặc người lao động nghỉ việc.

4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là chủ thể đặc biệt. Bên cạnh điều kiện có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên thì chủ thể còn phải là người có thẩm quyền trong đơn vị sử dụng lao động (thường là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức,… có quyền tuyển dụng và cho thôi việc người lao động).

5. Về hình phạt

Người phạm tội theo Khoản 1 Điều 162 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: đối với 02 người trở lên; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; hoặc làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, chủ thể phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 162 Bộ luật hình sự.

Mọi vướng mắc, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp hoặc hỗ trợ về pháp lý.

Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng.

Trân trọng!

 

CÔNG TY LUẬT MINH LÊ