Quy định của pháp luật về việc xử lý đối với hành vi tảo hôn

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tuổi kết hôn được quy định như sau:  “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.  Trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật được coi là hành vi tảo hôn (Khoản 8 Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình). Liên quan đến hành vi tảo hôn, những người liên quan có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Theo Điều 47, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức như sau:

“- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”.

Ngoài ra, người nào đã bị xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn, theo quy định tại Điều 183, Bộ luật hình sự năm 2015:

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Mọi vướng mắc, Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp.

Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng.

Trân trọng!

CÔNG TY LUẬT MINH LÊ